Sau khi báo đăng, ba ngày sau (30-5-2013), tác giả Nguyễn Quốc Việt nhận được cuộc điện thoại từ Bình Phước. Đầu dây bên kia là lời tự giới thiệu của một sĩ quan đang công tác tại Binh đoàn 16: “Tôi là Nguyễn Văn Trọng, cùng quê với bác Nguyễn Xuân Luyến. Bây giờ, bác Luyến đã hơn 80 tuổi và đang sống cùng con trai ở thôn Đô Đò, xã Nam Lợi, huyện Nam Trực”. Có được địa chỉ và số điện thoại, tác giả Nguyễn Quốc Việt đã trực tiếp nói chuyện và hẹn ngày ra Bắc trao kỷ vật tới CCB Nguyễn Xuân Luyến…
Ngày 26-7-2013, nhân một chuyến công tác ra Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Việt đã tìm tới địa chỉ nhà riêng ở Nam Định để trao tận tay ông Luyến những kỷ vật chiến tranh. “Kể từ khi nhận được điện thoại báo tin về những kỷ vật một thời, trong trí tưởng của tôi chợt sống dậy hồi ức về những tháng năm quân ngũ, về những trận đánh ác liệt trên địa bàn Tây Ninh và trông ngóng từng ngày được nhận lại những kỷ vật thân thiết vốn gắn bó với mình từ cách đây hơn 40 năm”. Nói rồi ông Luyến rưng rưng đọc lại những trang thư, những cuốn sổ biên chép của người thân, bạn bè, trong đó có một lá thư ông viết về thăm mẹ mà chưa kịp gửi… Chứng kiến hình ảnh xúc động ấy, ông Nguyễn Quốc Việt-từng là một cựu tù Phú Quốc-đã cùng ông Luyến ôn lại những kỷ niệm mặt trận gắn với mảnh đất Tây Ninh, nơi mà những địa danh: Trảng Bàng, Trảng Lớn, Gò Dầu… đã trở nên quen thuộc, để rồi sau khi chiến tranh chấm dứt, ông Việt đã đưa gia đình, vợ con từ Xuân Trường (Nam Định) vào lập nghiệp, sinh sống ở Tây Ninh cho tới ngày nay. “Thật ý nghĩa khi Báo Quân đội dân chúng đã chắp nối thông tin để những người lính chiến như chúng tôi được gặp gỡ, được cùng nhau ôn lại ký ức một thời. Cũng nhờ thông báo trên Báo Quân đội nhân dân mà những kỷ vật chiến tranh tưởng như vĩnh viễn nằm trong lòng đất lại có dịp sống dậy, trở về với chủ nhân của nó”, ông Việt xúc động bộc bạch. Tin, ảnh: BÙI VŨ MINH |